Chào các bạn, xin tự giới thiệu mình là sinh viên năm 2 của Học viện An ninh nhân dân, hôm nay mình sẽ chia sẻ kinh nghiệm tự học Toeic của mình từ 250 lên 600 điểm trong vòng 2 tháng. Hiện nay cũng như bao trường đại học khác, trường mình áp dụng chuẩn đầu ra Toeic là 500 điểm và đó thật sự là cơn ác mộng đối với những đứa mất căn bản tiếng anh như mình. Mình cá rằng sẽ có rất rất nhiều bạn giống mình, kết thúc 12 năm học tiếng anh phổ thông kiến thức chỉ dừng lại ở viết được mấy câu đơn giản như giới thiệu bản thân, miêu tả con mèo, miêu tả con chó, biết thì hiện tại đơn, biết thêm ed, biết thêm s/es, chấm hết! :’)
Thi thử
Và với vốn kiến thức “đồ sộ” đó mình đăng kí thi thử toeic ở trung tâm trường mình để xác định phương hướng ôn tập và kết quả chỉ được 240 điểm ( không được 250 như tiêu đề bài viết đâu ;)), reading 95 điểm, listening 145 điểm, chán luôn. Trong phòng thi thực sự mình như lạc vào một hành tinh khác vậy, không nghe được gì, không hiểu bất cứ thứ gì, shock toàn tập; gần như chỉ toàn khoanh nhằng hết, nghe bập bẹ được mấy từ quen quen thì khoanh đáp án đó chứ thực ra cũng chả hiểu gì.
Sau đó mình đã lên kế hoạch quyết tâm tự học toeic để đạt chuẩn đầu ra của trường là 500 điểm. Trước khi đi vào lộ trình học, mình xin chia sẻ tới các bạn một kinh nghiệm xương máu trong quá trình ôn thi của mình đã rút ra:
Kinh nghiệm
“Không quan trọng học bao nhiêu lâu, học bao nhiêu cuốn sách, mà quan trọng là khi học tập trung được bao lâu và học được bao nhiêu từ 1 cuốn sách. Tránh xa các hình thức làm mất tập trung: mạng xã hội, điện thoại,…”
Kinh nghiệm tự học Toeic tháng thứ nhất
Xác định bản thân bị mất căn bản tiếng anh nên việc học lại ngữ pháp nền tảng và trau dồi vốn từ vựng là hai việc tối quan trọng đầu tiên. Đọc kinh nghiệm tự học toeic của những người đi trước, mình chọn cho bản thân một quyển sách duy nhất là Starter Toeic để cày cuốc trong vòng một tháng đầu tiên này bởi sách này rất phù hợp cho người mới bắt đầu, ôn cực kĩ sách này thì sẽ nắm được 70% ngữ pháp và từ vựng toeic.
Mỗi ngày mình dành 2 tiếng để làm bài tập trong sách, học nhiều thời gian không hẳn có lợi đâu, quan trọng là trong 2 tiếng ấy phải thật tập trung, ko bị xao nhãng bởi mạng xã hội hay điện thoại. Mình khuyên các bạn nếu có điều kiện nên mua sách giấy để làm vì dù sao cảm giác vẫn thích và hứng thú học hơn là file pdf trên mạng.
Link mua sách trên tiki: https://tiki.vn/starter-toeic-third-edition-kem-3cd-p753363.html?src=search&q=starter+toeic
Link tải file pdf và nghe: https://drive.google.com/drive/u/0/folders/0B106buVzrUEJaXk2WHVoMVR2aXc
Sách gồm 4 chương:
+ Chương 1: Nhấn mạnh vào vào các điểm ngữ pháp căn bản thường gặp trong toeic
+ Chương 2: Luyện kĩ năng nghe và đọc hiểu theo chủ đề ngữ pháp và từ vựng
+ Tiếp chương 3: Là đề thi TOEIC mẫu
+ Cuối cùng là đáp án để bạn dò lại
Ở mức điểm 250 thì ngữ pháp và từ vựng của mình thật sự vô cùng yếu và thiếu. Những ngày đầu tiên rất vất vả để làm bài tập vì cái gì cũng mới, gặp câu nào cũng phải tra google rồi học lại cách dùng nhưng quan trọng phải kiên trì rồi sẽ quen dần.
Mỗi lần gặp từ mới không hiểu nghĩa mình đều tra cẩn thận sau đó ghi chú vào file excel lưu trong điện thoại để có thể dở ra học bất cứ lúc nào rảnh rỗi.
Điều cực kì quan trọng khi tra từ đó là học cách phát âm từ mới đó vì nếu không phát âm chuẩn thì đến lúc học nghe sẽ cực kì vất vả vì chỉ nghe như con vẹt.
Ví dụ từ:
International: Quốc tế
/,intə’næʃənl/ <= Học phát âm từ ở chỗ này
Thì mình sẽ học luôn cách đánh vần từ đó giống như học tiếng Việt vậy, muốn biết các nguyên âm phụ âm đọc ra sao thì mình học bảng IPA trước đã, cái này bạn chỉ cần tra google “ Cách đọc bảng IPA chuẩn” là sẽ ra ngay. Như vậy là gặp từ mới nào chúng ta cũng có thể đọc chuẩn thì đến lúc nghe sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Ngoài 2 tiếng làm bài tập các thứ trong quyển Starter Toeic thì thời gian rảnh rỗi mình hay lấy file excel từ mới mình đã note ra để đọc nhẩm lại cho nhớ, có ngày mình đã học được 80 từ mới liền. Cứ cho rằng đến lúc thi toeic từ sẽ mai một đi 50% thì mình vẫn còn nhớ tới 50% từ cơ mà, thế là quá thành công rồi.
Trong tháng đầu tiên này mình cũng tham gia vào các group học toeic thì họ cũng hay chia sẻ những kinh nghiệm và bài tập ( chủ yếu là part 5) để mình làm. Như vậy là vừa có thể giải trí khi chơi face, lại vừa có thể học đan xen, như vậy sẽ đỡ căng thẳng và tiếp thu được thêm nhiều kiến thức.
Thay đổi nguồn học toeic: 10 ngày tiếp theo
Như vậy kết thúc một tháng chăm chỉ học nền tảng toeic với quyển Starter Toeic thì 10 ngày tiếp theo này mình thay đổi đa dạng các nguồn học khác nhau, tạo sự hứng thú cho bản thân cũng như để chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho lộ trình cuối cùng.
Giai đoạn này mình chưa hề luyện đề, chủ yếu học từ đủ mọi nguồn khác nhau để tai và trí não của mình cảm nhận tiếng Anh tốt hơn, học nhẹ nhàng là chính.
Nhiều bạn thắc mắc tại sao nghe tiếng Anh mãi không hiểu thì cũng có vô vàn lý do và cách khắc phục, dưới đây là bài viết chi tiết của mình lý giải thắc mắc trên của bạn và đưa ra các phương hướng mọi người có thể áp dụng:
Vì sao bạn nghe tiếng anh không hiểu?
Nguồn học:
Đây là trang báo học tiếng anh với từ ngữ khá đơn giản phù hợp với người mới bắt đầu, nó giúp mình trau dồi một lượng lớn từ vựng từ đủ các chủ đề khác nhau. Ngoài ra các bài viết còn có thêm file nghe rất hữu ích, điều này giúp mình làm quen với nhiều giọng nói khác nhau mấy nữa sẽ không bị bỡ ngỡ khi thi Toeic.
Do trình độ mình còn kém nên có tham khảo đọc qua các trang báo song ngữ ở thời điểm đó cũng để nâng cao vốn từ vựng. Đọc như nào để hiệu quả các bạn có thể tham khảo bài viết này của mình:
Cách đọc báo tiếng anh hiệu quả!
Thời điểm này mình cũng học thông qua rất nhiều nhóm toeic trên facebook, thực sự họ chia sẻ rất nhiều bài tập hay.
Luyện đề Toeic: 20 ngày cuối cùng
Đây là giai đoạn căng thẳng nhất, vất vả nhất và gần như tốn thời gian cả ngày của mình. Mình chọn giải đề của quyển ETS 2016 vì đề thi trong đó giống với đề thi thật nhất, giọng nghe thì giống y hệt. Bạn có thể tải ở trên mạng cả sách lẫn giải chi tiết từng câu, sẽ rất hữu ích để tự học toeic đó.
Do học cực kĩ quyển Starter Toeic nên mình đã có nền tảng cơ bản trong quá trình giải đề cũng như chữa đề. Một đề thi mình sẽ làm trong 2 ngày.
Ngày 1:
- Bấm giờ làm phần listening 100 câu hỏi
- Check đáp án và bắt đầu chữa
- Với mỗi câu nghe lặp lại 2 lần sau đó xem phần transcript
- Phát hiện những điểm sai, điểm nhầm lẫn và cứ thế lặp lại cho đến khi chữa hết 100 câu nghe.
Ngày 2:
- Bấm giờ làm phần reading 100 câu hỏi
- Check đáp án và chữa bài
- Note lại những từ mới, cố dịch được cả câu, chỗ nào sai không hiểu thì tra google hoặc hỏi trên nhóm facebook
- Cố gắng chữa cho hết 100 câu, đừng thấy part 7 mà nản vì part 7 giúp mình kiếm nhiều điểm nhất.
Vậy là đã làm và chữa chi tiết xong một đề toeic thật sự, lặp lại đều đặn cho đến khi làm hết 10 đề trong quyển đó.
Khoảng thời gian này đòi hỏi một sự kiên trì và chăm chỉ vô cùng lớn, bạn phải thật nghiêm khắc với bản thân mới có thể đi đến đích cuối cùng trong thời gian ngắn nhất.
Trên là lộ trình tự học toeic của bản thân mình trong 2 tháng ngắn ngủi để được 600 điểm từ một đứa gần như không biết gì về tiếng Anh. Đón xem thêm bài viết sắp tới của mình chia sẻ cụ thể các mẹo khi ôn thi Toeic để được điểm cao nhé.
À thêm một điều nữa, đây là trang web báo song ngữ mình lập ra để các bạn có thể vừa cập nhật tin tức thế giới, vừa nâng cao vốn từ vựng hiệu quả. Nhớ ghé thăm trang web mình thường xuyên nhé!
Cảm ơn các bạn đã theo dõi.
3 comments
Đây có phải sự thật k vậy. Mk cũng k biết gì ta mặc sù học nhiều năm bài nghe rhaatj sự còn chả hiểu nội dung. Toàn bắt từ khóa thôim cơ mà 2 tháng mà lên vậy là k bt ròi.
Quan trọng phải học kiến thức nền, kiến thức ngữ pháp cơ bản trước bạn ạ. Chứ nếu nghe kiểu bắt từ khóa mà không hiểu nội dung của đoạn ấy thì nó chỉ dừng ở một mức nhất định, trình khó lên cao lắm
Bạn check gmail nhé