Nghe hiểu – kỹ năng cần thiết và quan trọng với bất kỳ ai khi học một ngôn ngữ mới. Nghe hiểu cũng thể hiện sự tiến bộ trong quá trình học, thể hiện được phản xạ nhất định của người học đối với ngôn ngữ đó. Không chỉ trong giao tiếp, trong các kì thi chứng chỉ như TOEIC hay IELTS, kỹ năng Nghe cũng là một trong những kỹ năng cốt lõi, đánh giá năng lực và khả năng giao tiếp của người thi.
Tuy vậy, không ít người học tiếng Anh lại đang bối rối, bế tắc trong việc cải thiện kỹ năng Nghe của mình khi nghe liên tục, nghe hằng ngày nhưng kết quả đạt được không đáng kể.
Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những phương pháp luyện nghe hiệu quả giúp bạn cải thiện kỹ năng Nghe của mình và tự tin hơn trong giao tiếp.
Phương pháp luyện nghe tiếng Anh hiệu quả
Trước hết, chúng ta cùng đi sâu tìm hiểu lý do khiến bạn không thể nghe hiểu tiếng Anh hoặc nghe nhiều nhưng không cải thiện được và những yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của kĩ năng này nhé!
Có 3 lý do chính ngăn cản bạn trong quá trình luyện nghe tiếng Anh:
1.
Không nhận ra hoặc nhầm lẫn các âm khi nghe: trong tiếng Anh tồn tại một số cặp âm giống nhau mà người nghe khó có thể nhận ra nếu không tập trung (vd: /e/ và /æ/, /ɪ/ và /i:/, /ʊ/ và /u:/…). Thậm chí, có nhiều từ có phát âm giống hệt nhau nhưng nghĩa lại khác nhau hoàn toàn (từ đồng âm).
Ex: /beə(r)/: tính từ “bare” (trần trụi) hoặc danh từ “bear” (con gấu)
/ðeə(r)/: tính từ sở hữu “their” hoặc trạng từ nơi chốn “there”
Ngoài ra, trong giao tiếp hay các phương tiện luyện nghe như phim ảnh, bài hát, video… , người nghe thường gặp phải những vấn đề phổ biến và cũng là thói quen phát âm của người bản xứ như hiện tượng nuốt âm, nối âm, đồng hóa âm vị, rút gọn từ…
Ex: asked /ɑ:skt/ => /ɑ:st/, desktop /ˈdɛsktɒp/ => /ˈdɛstɒp/
Middle East /midl i:st/ => /midli:st/
2.
Không theo kịp tốc độ người nói từ đó dẫn đến khó nắm bắt ý chính của bài nghe: Nguyên nhân là do trong quá trình nghe, bạn luôn dịch từng từ nghe được sang tiếng Việt sau đó mới tập trung nghe phần tiếp theo. Trong quá trình này, bạn cũng sẽ mất một khoảng thời gian nhất định để hiểu từ tiếng Việt vừa được dịch và liên kết nó với những từ khác để hoàn chỉnh ý của câu. Cách nghe này khiến cho bạn phải tập trung vào tất cả các từ trong một câu thay vì các từ khóa chủ chốt (keyword).
3.
Hạn chế vốn từ vựng và ngữ pháp: có thể bạn học được khá nhiều từ vựng nhưng sâu xa, bạn lại không thể biết được những từ đó được dùng trong trường hợp giao tiếp nào, có phổ biến hay không, có một hay nhiều nghĩa… dẫn đến sự bối rối, lúng túng của bạn khi nghe bởi không thể nhận ra từ đó hoặc không thể đoán được nghĩa của nó.
Từ 3 lý do trên, chắc có lẽ các bạn đã đoán được những yếu tố tác động đến việc Nghe hiểu rồi nhỉ? Đó chính là phát âm (giúp định hình từ vựng chính xác ngay trong quá trình Nghe, từ vựng (hiểu được nghĩa của từ nhanh chóng ngay khi xác định được cách phát âm) và phản xạ (đẩy nhanh quá trình xác định phiên âm và đoán nghĩa).
Dưới đây là một số cách luyện nghe hiệu quả mà bạn có thể tham khảo:
1. Nghe những gì bạn thích hoặc những chủ đề khơi gợi cảm xúc
Học tiếng Anh hay bất kỳ một ngôn ngữ mới nào khác đều rất dễ gây nhàm chán. Vì vậy, bạn không nên bắt ép bản thân phải nghe những nội dung mình hoàn toàn không hứng thú bởi điều đó rất dễ dẫn đến sự thiếu tập trung và khó tiếp thu. Trải qua một thời gian như vậy, bạn sẽ dần hình thành tâm lý chán nản, muốn bỏ cuộc thậm chí là “sợ” học tiếng Anh. Thay vào đó, bạn nên chọn cho mình những chủ đề yêu thích, quen thuộc với cuộc sống của bạn. Điều này sẽ giúp cho việc tiếp thu trở nên nhẹ nhàng, dễ dàng hơn bởi “học mà chơi, chơi mà học”, sự hứng thú của bạn luôn ở mức cao để sẵn sàng tiếp nhận những thông tin mới. Đây cũng là điều kiện cần thiết để bạn có thể duy trì thói quen nghe tiếng Anh hằng ngày.
Ngoài những phương tiện cơ bản như xem phim, nghe nhạc, bạn cũng có thể tìm đến một số thể loại chương trình sau để thay đổi linh hoạt lựa chọn của mình:
- Chương trình truyền hình thực tế của Anh, Mỹ hoặc Úc: những chương trình này cũng rất phong phú với nhiều chủ đề, cho từng đối tượng khác nhau như giải trí (Got Talent, Next Top Model, Amazing Race), ẩm thực (Master Chief), kinh doanh (Shark Tank, The Apprentice)… Những chương trình này được thiết kế và dàn dựng để luôn có sự kịch tính, cao trào, cuốn hút người xem và mang đến cho bạn cái nhìn tự nhiên nhất về về cách mà người bản xứ giao tiếp trong những ngữ cảnh khác nhau đồng thời tăng thêm vốn từ vựng cho bản thân ở nhiều lĩnh vực.
- Bài nói chuyện của các diễn giả nổi tiếng: khơi gợi những cảm xúc tích cực trong bạn, là động lực khiến bạn muốn hoàn thiện bản thân hơn.
- Bản tin bằng tiếng Anh: thay đổi liên tục, tập trung vào những vấn đề nóng, bức xúc của xã hội.
2. Chọn nội dung nghe phù hợp với trình độ
Lời giải cho việc bạn nghe rất nhiều, nghe liên tục nhưng hiểu không được bao nhiêu là do bài nghe vượt ngoài khả năng của bạn khiến bạn không thể bắt kịp, thậm chí với những bạn đã có cho mình sự phản xạ nhất định. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ rất dễ dẫn đến sự thất vọng, chán nản. Để khắc phục, bạn nên chọn những bài nghe mà bạn có thể hiểu được đến khoảng 80% nội dung. Tại sao lại là 80? Nếu ít hơn 80 thì lượng kiến thức bạn tiếp thu được chắc chắn sẽ không đủ để có thể duy trì sự hứng thú của bạn còn nếu cao hơn, ở mức 90% hoặc 100%, bạn cũng sẽ dễ dàng mất tập trung bởi có thể đoán trước được nội dung bài nói. Dần dần, khi khả năng Nghe đã tăng lên, bạn có thể dần tăng cấp độ bài nghe của mình lên, như thế sẽ vô cùng hiệu quả, tuy chậm mà chắc.
3. Nghe thường xuyên và chia nhỏ thời gian nghe
Học một ngôn ngữ mới nói chung và luyện kĩ năng Nghe hiểu nói riêng là điều không hề đơn giản, cần có sự khổ luyện, kiên trì, tích lũy nếu muốn tiến bộ nhưng cũng rất dễ dàng nếu bạn tìm ra cho mình cách học đúng và đưa nó vào trong cuộc sống của mình. Bạn hãy coi việc nghe tiếng Anh như một thói quen hằng ngày của bạn. Thời gian nghe sẽ tùy thuộc vào thời gian biểu của bạn. Bạn có thể nghe 30 phút hay nhiều hơn từ 1-2 tiếng theo sở thích. Tuy nhiên, lý tưởng nhất là bạn nên chia nhỏ thời gian nghe chỉ khoảng 30 phút cho mỗi lần, ở nhiều thời điểm trong ngày và ở bất kì đâu khi ăn sáng, lái xe, chơi thể thao, trước khi đi ngủ,… thậm chí trong khi ngủ. Đây cũng được xem là một cách nghe thụ động bởi khi nghe bạn không hoàn toàn tập trung vào bài nghe mà vẫn làm việc gì đó song song nhưng hiệu quả đạt được thì lại rất bất ngờ đấy nhé! Cách học này rất thuận tiện và phù hợp với tất cả mọi người, kể cả những người bận rộn nhất.
4. Nghe, đọc và lặp lại
Đây là một trong những bí quyết hiệu quả nhất mà bất kì người giỏi tiếng Anh cũng đều từng áp dụng. Phương pháp này cũng rất đơn giản, giống như tên gọi của nó sẽ gồm 3 bước chính:
- Nghe mà không có kịch bản ít nhất là 3 lần, không dịch sang tiếng Việt hay chú ý vào từng từ mà tập trung hiểu được ý chính của bài nghe, xác định các từ khóa, đồng thời đoán trước nội dung mà mình sắp sửa được nghe, thậm chí đoán cả nghĩa của từ nếu đó là từ khóa được lặp lại hay nhấn mạnh nhiều lần dựa vào những nội dung khác có liên quan.
- Nghe lại 1 lần nữa với phụ đề để làm rõ hơn nội dung của bài nghe cũng như xác nhận lại những thông tin mình đoán trước đó.
- Đọc lại thành tiếng: Ở bước này, người nghe cần bắt chước hoàn toàn giọng đọc của người nói, đúng âm, ngữ điệu, các khoảng nghỉ… Điều này sẽ giúp bạn quen với các âm và biết nhiều từ vựng hơn. Có 2 cách đọc: bạn có thể vừa nghe vừa đọc song song, cố gắng sao chép những gì vừa được nói ra nhanh hết mức có thể hoặc nghe – dừng – đọc lại phần vừa nghe.
5. Ghi chép lại những gì mình nghe được
Học tiếng Anh là sự kết hợp của nhiều yếu tố, kỹ năng. Và khi luyện nghe cũng vậy. Không chỉ tai của bạn hoạt động mà cần có sự kết hợp với mắt nhìn, miệng đọc và tay ghi chép. Như vậy, không chỉ mỗi kỹ năng Nghe của bạn được cải thiện mà những kỹ năng khác theo đó cũng sẽ tiến bộ theo. Ghi chép lại giúp bạn có thể so sánh trực tiếp với bản gốc, từ đó sửa lỗi và rút kinh nghiệm cho bản thân cũng như học được nhiều từ mới hơn.
Hi vọng qua bài viết này, các bạn đã tìm cho mình phương pháp luyện nghe phù hợp nhất với bản thân, trở nên tự tin hơn, sẵn sàng làm chủ ngôn ngữ. Chúc các bạn thành công!
XEM THÊM:
- Cấu trúc It’s time: Hướng dẫn Cách dùng & Bài tập
- Cấu trúc No sooner… than: Cách dùng, đảo ngữ & bài tập