Home Blog Vì sao càng học IELTS càng lười? – Kinh nghiệm luyện thi IELTS

Vì sao càng học IELTS càng lười? – Kinh nghiệm luyện thi IELTS

by Admin




Xin chào các bạn,

Phải lâu lắm rồi tôi mới lại kì cạch gõ từng dòng cho một bài viết dài hơi nhằm động viên các bạn trên con đường “vạn lý trường chinh” xử đẹp IELTS. Cuộc sống mưu sinh vất vả quá, không có thời gian cho thú vui viết lách nữa. Nhưng tôi hứa là sẽ không để tình trạng xa rời cây bút, à nhầm bàn phím, lâu tới vậy. Nghỉ ngơi thế là đủ rồi.

“Hôm nay tôi buồn”

Có bạn nào hay nghe bài này của Khánh Linh như tôi không, “hôm nay tôi buồn một mình trên phố đông…”. Thực ra bài hát này phù hợp tâm trạng của 80% các bạn đang ôn thi IELTS bây giờ. Mới đầu hăng hái là thế, ngân nga ca khúc “Ngày vui nhất” của Khắc Việt, sau đó khí thế lụi dần, “Hôm nay tôi buồn” được xướng lên như một điệp khúc quen thuộc. Vài năm sau, bài duy nhất bật chắc là “Đồi thông hai mộ”. Sự nghiệp học hành chính thức đổ bể, lại quay về nghiệp lái máy xúc, công nông.

Khi bắt tay vào làm cái gì, đặc biệt là thử thách lớn như IELTS, các bạn hãy chịu khó nghe lời tôi và tin tưởng rằng, các bạn rất có thể sẽ là người không bao giờ đạt được mức điểm như bạn kì vọng. Ngày hôm nay bạn dạt dào đam mê như một dòng thác không vơi cạn thì ngày mai bạn chỉ còn là dòng sông trơ đáy. IELTS nó rất chuối, rất mệt mỏi, rất lao tâm khổ tứ, trường kì và bền bỉ. Nếu bạn không thực sự giỏi chịu đựng thì hãy dừng lại ngay tại đây. Đóng sách vở lại, hít vào phổi một bầu khí trời mát mẻ, vươn vai, đứng dậy, xách tiếp xô vữa. Cuộc đời học hành không dành cho bạn rồi.

Trở ngại lớn nhất với IELTS là bệnh lười, một căn bệnh nan y không thể chữa khỏi dù y học đã tiến xa những bước không tưởng. Bệnh HIV, ung thư đang dần dà có thuốc xử lý nhưng lười thì trầm kha mãi không sửa đổi được. Viết lên tường dăm câu khẩu hiệu: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền”, thế nhưng sáng hôm sau ngủ dậy đi đánh bát cháo lòng xong là thôi, khỏi học hành gì cả. Lên phản nằm ườn ra như con mèo tam thể, bật quạt vù vù vít ga ngủ một lèo tới chiều. Giấc mộng ngàn năm nói tiếng Anh như máy cứ thế trôi theo làn gió quạt trần.

Hãy bứt tốc khi còn có thể - Học Ielts

Hãy bứt tốc khi còn có thể – Học Ielts

Làm sao cho hết buồn?

Nếu biết lười là căn bệnh nguy hiểm tính mạng và túi tiền như vậy, thế sao nhiều người không thể chữa nổi? Vì họ có chịu chữa đâu. Câu hỏi duy nhất họ tự đặt ra với mình và với người là “Hôm nay ăn gì chúng mày ơi” và tìm cách chụp ảnh hăng say nhất có thể. Lười, muốn chữa được, cần trước nhất là sự thấu hiểu. Không phải thấu hiểu như tình cảm nam nữ, mà là hiểu chính mình. Hãy đứng trước gương, tát vào mặt mình 3 cái cho sưng húp mặt lên, để biết rằng chữa bệnh lười đau đớn thế nào. Nhưng nỗi đau của sự thay đổi còn nhẹ nhàng và dễ chịu hơn là nỗi giằng xé và đay nghiến của sự lười biếng. Tin tôi đi, 10 năm nữa nhìn lại, các bạn chỉ ước sao hồi đó không nghe Minh đẹp trai khuyên mà chỉ lặng thầm like, share private và không làm gì cả.
Khi đã hiểu rằng mình là con bệnh lười, hãy bắt tay vào trị bệnh ngay. Ngay lúc này. Ngay bây giờ. Ngay khi bạn đọc xong bài viết này. Hãy thực hành từng bước, từng bước một và đừng thêm lí do nữa. Muỗi đốt ngứa quá không học được, bài này khó quá, từ mới không nhớ nổi, học gì trước học gì sau, không có môi trường để học tiếng Anh giao tiếp…Thôi, tốt nhất các bạn im đi và nghe theo lời tôi. Đã lười còn cái bệnh lí sự, sao chữa đây?

Phương pháp luyện nghe tiếng Anh hiệu quả

Đầu tiên, hãy bắt tay vào làm những thứ nhỏ nhất còn sót lại sau 1 ngày chỉ miệt mài đi chơi và chém gió. Bạn cần học 30 từ mới? Hãy học trước 5 từ. Nếu thấy khó quá, học 1 từ rồi đóng sách lại. Khi nào thấy dễ hơn thì mở ra. Mỗi ngày, hãy làm thật ít, thật vừa sức những việc cần làm. Bạn muốn đọc 100 trang sách? Hãy đọc cho tôi 3 dòng rồi đóng sách lại. Cấm đọc hơn. Ngày hôm sau mới mở ra, đọc tiếp. Nếu thấy nó dễ thì đọc vui thêm chục trang, không thì thôi đóng lại. Làm liên tục như vậy cho tôi trong 1 tháng rồi 12 tháng, xem có tiến bộ không?

Việc bạn thực hiện từng việc nhỏ như con kiến và vừa hoàn toàn với tấm thân cả tạ của bạn là rất cần thiết để “tâm bệnh” hiểu rằng, à làm thế này cũng chưa sụt được kí mỡ nào. Hãy tiếp tục làm những việc nhỏ và dễ, không đòi hỏi bất kì suy nghĩ nào cho tôi. Nếu cần viết 1 bài task 2 khó vãi bà, hãy bắt tay bằng việc viết 1 câu mở bài duy nhất có paraphrase. Nếu ngại quá thì chép hết vào cũng được rồi ngồi nguyên tôi lạy 3 cái. Lười thế thì ai mà chữa nổi?

Giờ thì làm gì?

Khi bạn đã dành tầm 1 tháng làm những việc thực sự nhỏ nhưng quan trọng, bạn sẽ thấy rằng hoá ra bệnh lười nó không phải như ghẻ lở, cứ gãi sồn sột mỗi ngày. Lười là bệnh tâm lý, là bệnh tưởng tượng mà bạn đã vẽ ra cho đầu óc trồng cây của mình. Hãy từ từ, từng bước một làm những việc nhỏ, để não bạn nó quen rằng “à việc này dễ, xơi được”. Khi đã quen đà, hãy nâng cấp nó lên để nhiệm vụ khó hơn, thử thách cao hơn. Học ngày 10 từ, 20 từ, 100 từ. Đọc ngày 10 trang, 20 trang, 100 trang sách.

Nửa năm sau nhìn lại, bạn thấy mình đã khác, tâm thế đã thay đổi, da dẻ hồng hào mà chẳng cần detox, trắng nõn nà mà chẳng cần kem trộn. Chẳng phải vì bạn ăn no ngủ kĩ đâu, mà do bạn đã hoàn thành những việc cần làm, thấy đích IELTS ngắn hơn một chút, thế nên cơ thể mới vui tươi, khoan khoái trở lại. Đứa nào nói câu gì nhỉ, “bạn chỉ cần an nhiên, trời tự khắc có an bài”. Không phải, sai hết. Bạn an nhiên vì bạn tới gần IELTS hơn, bạn biết rằng vài tháng nữa đi thi, bà mày sẽ cho examiner biết thế nào là sức mạnh ngôn ngữ thứ thiệt. Bệnh lười chữa rồi thì bệnh nào mà chẳng khỏi?

Nghe lời tôi, chăm chỉ làm việc, học hành, bắt đầu từ những cái nhỏ và dễ nhất. Dừng ngay mớ lí luận củ khoai vào và mở sách ra, học bài tiếp. Có người nói đó, “No pain no gain”, tức là “thằng nào ngu thằng đó chết”. Cuộc đời không nhàn tản như khi bạn đọc bài tôi viết đâu, mà nó sẽ tát bạn 3 cái thật lực vào giữa mặt và đạp bạn xuống hồ nước vì bạn lười biếng. Cứ chờ xem nếu đọc xong mà chỉ like, share và không làm theo lời tôi nói.

Bài viết nho nhỏ này tới đây là kết thúc, cám ơn các bạn đã miệt mài đọc và khóc rấm rức vì ưng ý. Tôi biết, sẽ có ít nhất 10% các bạn đọc bài này thấy thật xấu hổ và hy vọng phải thay đổi. 90% còn lại vẫn tiếp tục gọi món và ăn tiếp bữa buffet ú ụ của mình. Sự lựa chọn là của các bạn, còn bài viết là của tôi. Thế thôi.

 

You may also like

Leave a Comment