Sóng – một bài thơ truyền tải một tình yêu da diết mang đậm dấu ấn riêng của nhà thơ Xuân Quỳnh. Đó là tiếng lòng tinh tế và dạt dào tình cảm của người phụ nữ trước tình yêu. Chỉ với hai khổ thơ đầu ngắn ngủi cũng tác giả cũng đã khắc họa thành công sự chân thành và mãnh liệt trong tình yêu. Hãy cùng Báo Song Ngữ Phân tích 2 khổ thơ đầu bài Sóng ngay nhé.
Hướng dẫn làm bài Phân tích 2 khổ thơ đầu bài Sóng
Trước khi đến với một số bài làm tham khảo, Báo Song Ngữ sẽ lập dàn bài mẫu để các bạn có thể dễ dàng triển khai bài viết hơn.
Mở bài
Giới thiệu về nữ sĩ Xuân Quỳnh và những nét chính và giá trị – nội dung của bài thơ Sóng
Thân bài
- Cảm thức của nhà thơ Xuân Quỳnh về hình tượng Sóng
- Tâm tình của người con gái trong tình yêu được thể hiện qua từng câu thơ
- Hình tượng Sóng chính là ước vọng của tình yêu
Kết bài
Tóm tắt lại giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ và nêu cảm nhận của bản thân.
Thực hành viết bài phân tích 2 khổ thơ đầu bài Sóng
Bài 1:
Được mệnh danh là bà hoàng thơ Tình, Xuân Quỳnh luôn mang đến cho độc giả những cái nhìn tinh tế và sâu sắc nhất về tình yêu. Bà đã để lại cho kho tàng văn học Việt Nam rất nhiều tác phẩm độc đáo về tình yêu, nổi bật nhất phải nói tới “Sóng”. Tác phẩm là tiếng lòng tình yêu của một người con gái, vô cùng chân thành và mãnh liệt, luôn khao khát yêu và được yêu. Hình ảnh đó được khắc họa rất rõ nét, qua ngôn từ phong phú của tác giả, đặc biệt là trong 2 khổ đầu của bài thơ.
Nghệ thuật đặt tên của Xuân Quỳnh cũng thật độc đáo, tuy đơn giản về mặt chữ nhưng lại mang một ý nghĩa vô cùng lớn. Xuyên suốt bài thơ là hình tượng con sóng, nó là một hình ảnh ẩn dụ cho cái tôi trữ tình và thi nhân Xuân Quỳnh. Sóng và em, luôn quấn quýt đan hòa, ty hai mà một to vẽ nên tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu.
Mở đầu bài thơ hình hình ảnh đặc trưng của sóng, tác giả soi mình vào sóng để thể hiện sự tương đồng:
“Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ”
Trước đại dương bao la, tác giả nhìn thấy chính lòng mình hiện tại, có lúc dữ dội có lúc lại lặng yên. Chúng ta tìm đến biển để rỗi đứng trước sự bao la, mênh mông với những đợt sóng va vào nhau, chúng ta mới hiểu hết được nỗi niềm, suy nghĩ của bản thân.
Tác giả khéo léo sử dụng cặp từ “Dữ dội – dịu êm”, “Ồn ào – lặng lẽ” chính là những trạng thái trái ngược của sóng biển hay là con sóng trong chính cõi lòng con người. Biển cả ngoài kia khi thì hiền hòa với những đợt sóng nhẹ nhàng thướt tha, khi bão giông tới chúng nổi thành cơn hùng vĩ va đập vào nhau. Khi hình thấy những con sóng đó, tác giả như cảm nhận được tình yêu của mình tương đồng với những cơn sóng ấy. Trong tình yêu, trái tim có lúc vui vẻ, bình yên nhưng vẫn không thể tránh khỏi những ngày bão giông, buồn bã. Chẳng có mối tình nào mà êm ả hạnh phúc mãi mãi, sẽ có đôi lúc buồn phiền, trách móc, dỗi hờn… Chính hình ảnh con sóng lúc dữ dội lúc dịu êm đã nói thay những cảm xúc đa dạng của người phụ nữ trong tình yêu. Tình yêu là vậy, luôn khiến bản tính con người có sự giao hòa, đan xen khác lạ.
Để rồi khi đến những câu thơ thứ hai, không kìm nén được cảm xúc người phụ nữ đã xé tan mọi rào cản để vươn mình đến với cánh cửa của tình yêu đích thực:
“Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể”
Tác giả đã sử dụng 2 phạm trù không gian là sông và bể để nói lên suy nghĩ dám khát khao, dám mơ ước và dám hành động để đi tìm hạnh phúc cho cuộc đời mình.
Sông ở vị trí nhỏ hẹp, có giới hạn và chật chội, không thể hiểu hết tâm tư tình cảm không thể đồng cảm, chứa đựng với tính khí thất thường của sóng. Bắt buộc sóng phải tìm đến bể để được say đắm, sẻ chia và an ủi. Sóng chính là thế giới rộng lớn, khoáng đạt, chỉ có bể mới có thể chứa đựng được tính khí thất thường của sóng, là chân trời mơ ước của trăm ngàn con sóng.
Sóng là em, tình yêu của sóng cũng chính là tình yêu của em, sóng tìm ra bể lớn chính là hiện thân cho khát sao của em được vươn ra biển lớn để kiếm tìm một bến bờ tình yêu chân thành. Tác giả khéo léo sử dụng từ “tận” khiến người đọc cảm giác được sự xa xôi trắc trở của người phụ nữ khi kiếm tìm cho đời mình một tình yêu đích thực. Thế nhưng, chính câu thơ này cũng thể hiện được sự quyết liệt, kỳ công của người phụ nữ trong tình yêu, dám ước mơ và dám hành động để tìm hạnh phúc riêng cho mình. Đó là sự cá tính và phi thường, đầy bản lĩnh của người phụ nữ hiện đại, dũng cảm và chủ động.
Lúc này trong trái tim và tâm hồn người phụ nữ đang chan chứa biết bao hạnh phúc, bao ước niệm tươi đẹp về tình yêu:
“Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày nay vẫn thế”
Ngày xưa – ngày nay là cặp từ hô ứng, ngày xưa thể hiện cho chiều sâu của quá khứ, ngày nay chính là biểu tượng cho tương lai và ý niệm về một tình yêu vĩnh cửu. Tác giả sử dụng cặp từ này để nói đến vấn đề muôn thuở, rằng thời gian có trôi đi thì con sóng vẫn luôn như vậy. “Vẫn” là ổn định, bất biến chẳng thể đổi thay, dù thời gian có làm thay đổi nhiều thứ thì khát vọng tình yêu mãi mãi không bao giờ thay đổi. Con người của quá khứ hay tương lai, vẫn một lòng son sắc thủy chung, kiên định với ước mơ kiếm tìm một bến đỗ chân thành.
“Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ”
Câu thơ mang ý niệm nhấn mạnh cảm giác đắm chìm, si mê, rạo rực trong tình yêu, Trong trái tim và tâm hồn của những người trẻ luôn khát vọng yêu và được yêu, đó là quãng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời của mỗi con người. Tiếng thơ Xuân Quỳnh cũng là nỗi lòng chung của biết bao người phụ nữ Việt Nam son sắt, thủy chung, đức hạnh.
Câu chuyện tình yêu sẽ không là của riêng một ai, trong trái tim chúng ta đều tồn tại một tình yêu có lúc bình lặng rồi sẽ có lúc trào dâng mạnh mẽ, luôn muốn yêu và được yêu. Hai khổ thơ đầu bài Sóng cho thấy rõ hơn về phong cách thơ của Xuân Quỳnh và nét hiện đại của thi sĩ trước tình yêu nồng nàn, sôi nổi, chủ động.
Bài 2:
Bài thơi “Sóng” của nhà thơ Xuân Quỳnh là một trong áng tình ca hay nhất, từng câu thơ, từng điệu hồn đều thể hiện khát mong được đồng cảm, đồng điệu với tâm hồn của người đọc muôn thế hệ. Và hai khổ thơ đầu của Sóng chính là những khát khao cháy bỏng, mơ ước được khám phá, được thấu hiểu bản thể và cũng chính là một chân lý về quy luật bất tử trong tình yêu của tâm hồn những người trẻ tuổi.
“Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể”.
Dữ dội và dịu êm, ồn ào và lặng lẽ là hai thái cực, sắc thái đối lập được tác giả mở ra trong đầu đoạn thơ. Một vẻ đẹp đối chọi nhưng lại hòa điệu của con sóng ngoài biển, hay chăng nó còn thể hiện tâm trạng của người phụ nữ trong tình yêu. Một tâm hồn với nét đẹp dịu dàng đằm thắm nhưng không kém phần mãnh liệt, chân thành.
Nghệ thuật tinh tế trong cách đặt từ của Xuân Quỳnh cho ta thấy dù ở hai thái cực đối lập nhau thì những con sóng ấy vẫn luôn mang trong mình mơ ước kiếm tìm được một bến đỗ bình yên. Đây cũng là lúc chúng ta nhận ra rằng, nhà thơ muốn nói lên nỗi lòng của những người phụ nữ khác, đều có một niềm khát là tìm được bến đỗ hạnh phúc cho cuộc đời của mình, một lâu đài mà ai cũng đều đắp xây, vun vén. Họ sẽ không bao chờ đợi ai đến dẫn dắt mình đi, hạnh phúc của mình phải tự mình tìm kiếm, tự mình quyết định. Cũng giống như con sóng ấy, nếu sông không thể thấu hiểu cho sóng thì sóng sẽ tự tìm tới biển lớn. Từ đó, giúp người đọc nhận ra, tình yêu không chỉ cần cảm giác bình yên của một điểm tựa, mà còn cần sự thấu hiểu rất nhiều và rất sâu từ cả hai phía, có như vậy mới đạt đến sự vĩnh cửu của một tình yêu chân chính.
“Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ”
Tác giả mượn sự bất biến và vĩnh hằng của những con sóng ngoài biển khơi để nói về nỗi khát khao về một tình yêu chân thành, cháy bỏng bồi hồi trong lồng ngực trẻ. Trái tim ấy vẫn mãi một tình yêu với niềm rong ruổi bất tận. Từ láy “Bồi hồi” khéo léo được đặt đầu dòng thơ nhấn mạnh cảm giác đắm chìm, si mê, rạo rực trong tình yêu.
Đoạn thơ giúp chúng ta hiểu hơn về ngôn từ và hồn thơ độc đáo của Xuân Quỳnh, nghệ thuật dùng từ của tác giả luôn khiến độc giả phải trầm trồ ngợi khen. Dù sống trong bất cứ hoàn cảnh nào, tiếng thơ ấy vẫn luôn tươi tắn hồn nhiên với những khát vọng hạnh phúc đời thường. Sóng chính là đại diện cho tình yêu của người phụ nữ, là khát vọng muôn đời của loài người. Hàng ngàn năm qua, con người đã yêu và hàng vạn năm sau tình yêu đó vẫn không hề thay đổi.
Trên đây là một số ý tưởng cho đề bài “Phân tích 2 khổ thơ đầu bài Sóng” mà Báo Song Ngữ dành riêng cho bạn. Hy vọng qua bài viết bạn sẽ có thêm nhiều ý tưởng, lời văn hay để hoàn thiện bài làm của mình. Chúc bạn học tập tốt, đạt điểm cao và thành công trên con đường mình đã chọn.
XEM THÊM: