Home BlogVăn học Cảm nhận 9 câu đầu bài Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm [2 BÀI MẪU]

Cảm nhận 9 câu đầu bài Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm [2 BÀI MẪU]

by Admin




Trong các tác phẩm thơ ca viết về đề tài quê hương đất nước của kho tài văn học Việt Nam có rất nhiều những tác phẩm nổi tiếng. Tuy nhiên, Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm là tác phẩm để lại dấu ấn sâu đậm đối với người đọc. Hãy cùng báo Song Ngữ cảm nhận về 9 câu thơ đầu trong bài Đất nước trong bài viết sau đây.

Hướng dẫn làm bài văn cảm nhận 9 câu đầu bài Đất nước

Mở bài

  • Giới thiệu sơ lược về tác giả Nguyễn Khoa Điềm và tác phẩm
  • Trích xuất 9 câu thơ đầu

Thân bài

Đất nước có tự bao giờ?

+ Câu trả lời có ngay trong câu thơ đầu tiên

+ Cảm nhận về đất nước của tác giả theo chiều sâu văn hóa lịch sử và từ những cuộc sống quen thuộc của mỗi người. Cụm từ ngày xửa ngày xưa gợi ý về những bài học thấm đượm nghĩa tình được gửi gắm thông qua những câu chuyện cổ tích.

Quá trình hình thành

Mỗi câu thơ chính là quá trình hình thành đất nước gắn liền với văn hóa, phong tục, tập quán của dân tộc Việt Nam. 

Kết bài

Cảm nhận chung về 9 câu thơ đầu và đối với nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm là những gì thân thuộc và bình dị của chính con người Việt Nam.

Cảm nhận 9 câu đầu bài Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm

Thực hành viết bài văn cảm nhận 9 câu thơ đầu bài Đất nước

Bài làm 1

Đề tài về quê hương đất nước luôn là cảm hứng vô tận cho các nhà thơ nhà văn từ trước đến nay. Mỗi một thời đại mang theo những tư tưởng những cảm xúc riêng để gửi gắm trong mỗi tác phẩm. Nếu như với nhiều nhà thơ đất nước là gắn liền với những huyền thoại những anh hùng lịch sử thì với Nguyễn Khoa Điềm Đất nước là những gì rất gần gũi thân quen trong chính cuộc sống thường nhật. Tác phẩm Đất nước được rút từ trường ca “Mặt đường khát vọng” và chỉ với 9 câu thơ đầu Nguyễn Khoa Điềm đã giúp cho bao thế hệ trả lời được câu hỏi”Đất nước có từ bao giờ”.

Trong chúng ta có ai biết Đất nước có tự bao giờ? Câu hỏi thật không dễ trả lời nhưng nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã giúp ta có được đáp án 

Khi ta lớn lên Đất nước đã có rồi

Đất nước đã được hình thành từ rất lâu, rất lâu mà khi chúng ta sinh ra cất tiếng khóc chào đời đã có rồi. Như vậy chủ quyền của dân tộc Việt Nam là từ hàng nghìn năm nay khi khai sinh lập địa đã tồn tại và chúng ta những hậu duệ sau này cần phải chiến đấu để giữ gìn dân tộc mà ông cha ta xây dựng nên. Câu thơ muốn nhắn nhủ với bao thế hệ người Việt về truyền thống yêu nước quý báu chống giặc ngoại xâm giữ vững chủ quyền của dân tộc Việt Nam.

Đất nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa…” mẹ thường hay kể

Quê hương Việt Nam gắn liền với những câu chuyện cổ tích “ngày xửa ngày xưa” trong lời bà kể và những lời ru tha thiết của mẹ. Trong mỗi câu chuyện, trong từng lời hát ru ấy là những bài học ý nghĩa và thắm đượm tình nghĩa muốn gửi gắm lại cho thế hệ tương lại. Đó chính là tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, là tình yêu quê hương…và biết bao điều tốt đẹp khác. 

Đất nước được hình thành từ những điều rất quen thuộc và gần gũi với mỗi người con đất Việt.

Đất nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn

Đất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc

Tóc mẹ thì bới sau đầu

Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn

Cái kèo, cái cột thành tên

Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng

Đất nước có từ ngày đó…

Đất nước bắt đầu từ “miếng trầu” bà thường ăn đó chính là phong tục “miếng trầu là đầu câu chuyện” của dân tộc ta. Hình ảnh “cây tre” tượng trưng cho con người Việt Nam bất khuất kiên cường sẵn sàng đương đầu với mọi kẻ thù. Cây tre còn khiến chúng ta liên tưởng đến nhân vật Thánh Gióng trong truyền thuyết chống giặc Ân xâm lược dưới thời vua Hùng. Qua đó tác giả lại muốn khẳng định Việt Nam đã tồn tại từ rất lâu và trải qua rất nhiều cuộc đấu tranh bảo vệ dân tộc.

Trong đó có hình ảnh của mái tóc mẹ bới sau đầu là hình ảnh quen thuộc của người phụ nữ Việt Nam lam lũ, vất vả nhưng lại rất đảm đang, hiền dịu. Đồng thời, nó còn gắn liền với tình nghĩa vợ chồng thiêng liêng cao cả, gắn bó keo sơn. Cuộc sống dù khó khăn vất vả nhưng tình cảm vợ chồng luôn thủy chung, son sắt được tác giả thể hiện qua các từ ngữ “gừng cay”, “muối mặn”.

Quê hương Việt Nam còn gắn liền với hình ảnh những “cái kèo, cái cột” trong mỗi gia đình đơn sơ, mộc mạc nhưng thắm đượm nghĩa tình, với hạt gạo phải vất vả một nắng hai sương qua bao công đoạn mới tạo nên được. Và “có từ ngày đó” là ngày ta có truyền thống, có phong tục tập quán, có văn hóa mà có văn hóa nghĩa là có quê hương rồi.

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã sử dụng  những hình ảnh hết sức thân thuộc bình dị gần gũi để miêu tả về Đất nước. Đó không phải là một khái niệm quá cao xa khó nắm bắt mà chính là những truyền thống, phong tục tập quá đáng trân trọng. Chúng ta cần phải biết giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp đó.

Cảm nhận 9 câu đầu bài Đất nước

Bài làm 2

Tác giả Nguyễn Khoa Điềm là một trong những nhà thơ tiêu biểu của thế hệ trẻ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tác phẩm Đất nước được trích từ trường ca “Mặt đường khát vọng” là bài thơ hay về tình cảm đối với đất nước. Bài thơ mang đến giá trị nội dung sâu sắc tiêu biểu nhất là 9 câu thơ đầu.

Mở đầu bài thơ là câu trả lời Đất nước có tự bao giờ?

Khi ta lớn lên Đất nước đã có rồi

Đất nước có trong những cái ngày xửa ngày xưa mẹ thường hay kể

Một câu trả lời rất đơn giản đó là lúc chúng ta lớn lên thì đã có Đất nước. Câu thơ khẳng định sự trường tồn của quê hương Việt Nam sau bao nhiêu thăng trầm, bao nhiêu lần đánh giặc ngoại xâm, chống lại nội thù để bảo vệ đất nước. Đất nước không phải ở đâu xa lạ mà ở ngay trong những câu chuyện “ngày xửa ngày xưa”. Cụm từ này thật quen thuộc và nghe thật thân thương với những câu chuyện cổ tích bà thường hay kể và qua lời ru của mẹ mà tuổi thơ ai cũng đã từng trải qua.

Đất nước bắt đầu từ đâu, đó là từ những hình ảnh thân quen, từ những sự tích gắn liền từ hàng ngàn năm của dân tộc

Đất nước bắt đầu từ miếng trầu bây giờ bà ăn

Đất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc

Tục nhai trầu của người dân Việt Nam đã có từ xa xưa và “Sự tích trầu cau” cũng được truyền từ đời này qua đời khác qua hàng bao nhiêu thế hệ, gắn liền với phong tục của ông bà ta nghe thật ấm áp, bình dị. Hình ảnh cây tre luôn gắn bó với người dân Việt Nam trong cuộc sống hàng ngày với những rặng tre làm bóng mát, làm vật dụng cho chúng ta sử dụng hàng ngày. Khi tổ quốc có giặc ngoại xâm tre còn là vũ khí để đánh giặc giữ nước.

Đất nước đối với Nguyễn Khoa Điềm còn là hình ảnh “tóc mẹ bới sau đầu”. Đây là một phong tục tập quán của dân tộc Việt Nam được lưu truyền lại qua nhiêu thế hệ. Mặc dù trải qua hàng nghìn năm Bắc thuộc cùng với những năm tháng bị đô hộ bởi bọn thực dân, đế quốc nhưng chúng ta vẫn giữ được tập quán riêng của cha ông để lại.

“Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn” chính là đạo nghĩa phu thê vợ chồng thủy chung son sắt dù trải qua bao nhiêu khó khăn, khổ cực. Đây cũng chính là đạo lý tốt đẹp của dân tộc mà người đời sau cần phải giữ gìn.

Những hình ảnh quen thuộc trong mỗi gia đình đó chính là “cái kèo, cái cột” đơn sơ nhưng đầy ý nghĩa, ggắn liền với hạt gạo phải vất vả sớm hôm trải qua biết bao công đoạn mệt nhọc mới có được. Và Đất nước có từ ngày đó là tất cả những hình ảnh hàng ngày mà chúng ta vẫn thấy rất thân thuộc với mỗi người trong chúng ta. 

Đất nước của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm giống như một bài hát nhẹ nhàng sâu lắng và nồng nàn về tình yêu quê hương dân tộc. Quê hương Việt Nam thực ra không có gì cao siêu, trừu tượng mà là những phong tục tập quán văn hóa của dân tộc trải qua thời gian và không gian. Qua bài thơ chúng ta càng yêu thêm dân tộc Việt nam với những truyền thống vô cùng tốt đẹp.

Tới đây hẳn các bạn đã có cho mình những ý tưởng hay để triển khai làm đề bài “Cảm nhận 9 câu thơ đầu bài Đất nước” rồi phải không. Báo Song Ngữ chúc bạn sẽ có được số điểm cao nhất và đừng quên sống có ích và xây dựng quê hương mình ngày càng phát triển vững mạnh nhé.

XEM THÊM:

You may also like

Leave a Comment