Home BlogVăn học Phân tích khổ 1 Tây Tiến của Quang Dũng [2 BÀI MẪU HAY]

Phân tích khổ 1 Tây Tiến của Quang Dũng [2 BÀI MẪU HAY]

by Admin




Phân tích khổ 1 Tây Tiến của tác giả Quang Dũng bao gồm dàn ý và 2 bài văn mẫu sẽ giúp các bạn học sinh có thêm ý tưởng cũng như củng cố vốn từ để có thể hoàn thiện bài văn một cách dễ dàng nhất. Ngay bây giờ, cùng Báo Song Ngữ tham khảo tài liệu ngay nhé.

Hướng dẫn phân tích khổ 1 Tây Tiến

Trước khi đến với những bài văn mẫu đặc sắc nhất, mời các bạn cùng Báo Song Ngữ lập dàn ý cho bài văn phân tích này.

Mở bài

Giới thiệu sơ lược về tác giả Quang Dũng

Giới thiệu tổng quan về bài thơ Tây Tiến

Thân bài

  • Hai dòng thơ đầu: phân tích nỗi nhớ bao trùm mạch cảm hứng chủ đạo của bài thơ
  • Hai câu thơ tiếp theo: nỗi nhớ dường như đã mở rộng một vùng không gian rộng lớn, cùng những kỹ điểm khắc sâu trong lòng tác giả.
  • Bốn câu thơ tiếp theo: Gợi sự hiểm trở của núi rừng Tây Bắc và những gian khổ, sự kiên cường và một tâm hồn lãng mạn của những người lính Tây Tiến.
  • Hai câu thơ tiếp: sự hy sinh cao cả của người lính, sẵn sàng xả thân vì tổ quốc và sự xót xa của tác giả đối với đồng đội.
  • Bốn câu kết: nét đẹp hùng vĩ và cũng đầy nguy hiểm của núi rừng Tây Bắc, sự bừng tỉnh của tác giả trở về hiện thực với nỗi nhớ tha thiết, nồng nàn.

Kết bài

Khái quát lại giá trị nội dung và nghệ thuật của khổ 1 Tây Tiến.

Phân tích khổ 1 Tây Tiến của Quang Dũng

Thực hành phân tích khổ 1 Tây Tiến

Bài số 1

Tây Tiến là một tác phẩm nổi bật về hình ảnh người lính của tác giả Quang Dũng. Bài thơ là một bức tranh tái hiện lại hình ảnh các chiến sĩ hành quân nơi rừng núi Tây Bắc hùng vĩ và hiểm trở. Tác phẩm giúp người đọc cảm nhận được nỗi nhớ của tác giả về binh đoàn, tình cảm đồng đội và cả thiên nhiên nơi đây. Đặc biệt là khổ 1 của bài thơ, hình ảnh đó luôn khiến người đọc thổn thức và khắc khoải trong suy nghĩ.

“Sông Mã xa rồi, Tây Tiến ơi!

Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi”

Mở đầu đoạn thơ tác giả đã thể hiện ngay nỗi nhớ dòng sông Mã, đội quân Tây Tiến, núi rừng Tây Bắc thân thương. Quang Dũng dùng từ rất tha thiết “xa rồi” gợi lên nỗi nhớ không thể nào nguôi ngoai, da diết tới quặn lòng, nỗi nhớ “chơi vơi”. Thán từ “ơi” kết hợp cùng từ láy “chơi vơi” tạo nên âm hưởng câu thơ sâu lắng, hồi hộp và ngân dài bao trùm cả không gian và thời gian. Bên cạnh đó, tác giả còn thể hiện một tâm tình đẹp của những người lính Tây Tiến với dòng sông Mã anh hùng và núi rừng Tây Bắc.

“Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi,

Mường Lát hoa về trong đêm hơi.”

Những câu thơ này tác giả muốn miêu tả về chặng đường hành quân đầy gian nan, thử thách và chông gai mà binh đoàn Tây Tiến phải vượt qua. Các tên địa danh như Sài Khoa, Mường Lát gợi ra địa bàn rộng lớn đầy lạ lẫm đối với những người lính lần đầu đặt chân tới. Sương mù vùng Tây Bắc luôn dày đặc như trùm lấy bước chân, buốt chửng binh đoàn vốn đang rệu rã, mệt mỏi vì chặng đường dài đầy gian khổ.

Nhưng những người lính trẻ ấy vẫn có một tâm hồn lạc quan, yêu đời. Qua hình ảnh “hoa về trong đêm rơi” như những ánh đuốc lung linh của đoàn quân đang tiến về bản làng. Nhiều người lại cho rằng đó là những đóa hoa rừng ngát hương như chào đón đoàn quân. Cũng có thể đó là một hình ảnh ẩn dụ về đoàn quân Tây Tiên giống như những bông hoa rừng đầy sức sống giữa “đêm rơi”.

Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời,

Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống,

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.

Nhịp thơ 4/3 cùng các từ láy tượng hình “khúc khuỷu”, “thăm thẳm”, “heo hút” và mật độ thanh trắc dày đặc đã gợi cho người đọc sự nhọc nhằn, vất vả mà những người lính phải trải qua. Núi rừng Tây Bắc luôn luôn hiểm trở gập gềnh, ẩn chứa nhiều mối nguy hiểm.

Hình ảnh ” súng ngửi trời” là một nhân hóa táo bạo, đặc tả sự chót vót của dốc núi. Người lính Tây Tiến leo lên đỉnh dốc, cảm tưởng như mũi súng có thể chạm mây. Phép đối “ngàn thước lên cao – ngàn thước xuống” càng nhấn mạnh độ gập ghềnh, hình sông thế núi trập trùng, hiểm trở của thiên nhiên núi rừng Tây Bắc. Nếu như 3 câu thơ tái hiện sự hùng vĩ, hoang vu trên con đường hành quân của người lính thì câu thứ 4 lại gợi cho người đọc cảm giác nhẹ nhàng. Toàn bộ là bảy thanh bằng ” Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”, vần mở “ơi” mang tới sự bình yên gợi ra giây phút thư giãn nghỉ ngơi của người lính. Đứng trên đỉnh núi, phóng tầm mắt quan sát có thể thấy mưa rừng giăng mờ bản Pha Luông ở phía xa xa. Bốn câu thơ vừa gợi ra sự hoang vu dữ dội mà sự êm đềm của núi rừng, vừa gợi ra những cuộc hành quân vất vả nhưng cũng đầy trẻ trung, yêu đời của các chàng trai Tây Tiến.

“Anh bạn dãi dầu không bước nữa,

Gục lên súng mũ bỏ quên đời.”

Trong 2 câu thơ này, tác giả sử dụng nghệ thuật nói giảm nói tránh về cái chết của người lính “không bước nữa”, “bỏ quên đời” gợi tư thế ngạo nghễ của người lính Tây Tiến. Trước cái chết họ không hề lo lắng bởi họ đã chủ động chấp nhận cái chết, xem đó đơn giản chỉ là một giấc ngủ. “Gục trên súng mũ” một tư thế xót xa nhưng cũng đầy hào hùng của người lính đã anh dũng hy sinh.

“Chiều chiều oai linh thác gầm thét,

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”.

“Chiều chiều”, “đêm đêm” là những từ láy chỉ biên độ lặp lại thường xuyên của thời gian, kết hợp cùng biện pháp nhân cách hóa “thác gầm thét”, “cọp trêu người” càng khiến người đọc cảm nhận được sự bí hiểm, hoang dã ẩn chứa bao nhiêu nguy hiểm, tính mạng người lính có thể bị đe dọa bất cứ lúc nào. Sự nguy hiểm ấy không chỉ trải rộng trong không gian mà còn kéo dài và lặp lại thường xuyên theo thời gian.

“Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói,

Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.”

Đến với 2 câu thơ tiếp theo thì không còn núi cao rừng rậm nữa, thay vào đó là hình ảnh ấm áp nghĩa tình quân dân lan tỏa từ nồi cơm của đồng bào. Từ cảm thán “Nhớ ôi” đứng đầu câu thơ diễn tả nỗi nhớ da diết, khôn nguôi của tác giả cũng như những người lính Tây Tiến đối với những người dân Tây Bắc. Đây cũng là 2 câu thơ nhói lòng khi tác giả hồi tưởng lại cảnh đoàn quân quây quần bên mâm cơm, nồi xôi nếp thơm lừng nóng hổ như xóa tan mọi mệt nhọc, lạnh giá. Hai câu thơ kết thúc đoạn một bài thơ Tây Tiến có âm điệu nhẹ nhàng tha thiết gợi cảm giác êm dịu, ấm áp, tạo tâm thế cho người đọc cảm nhận đoạn thơ tiếp theo.

Khổ thơ đầu Tây Tiến đã thể hiện tài hoa và tâm hồn lãng mạn phóng khoáng của nhà thơ Quang Dũng. Đoạn thơ với ngôn từ giàu nhạc điệu và chất tạo hình, thành công khắc họa bức tranh sinh động và có chiều sâu về cảnh hành quân của đoàn quân Tây Tiến ở không gian thiên nhiên rừng núi hùng vĩ của Tây Bắc. Qua đó, chúng ta có thể cảm nhận được sự gắn bó, nỗi nhớ tha thiết của tác giá về những ngày “đồng cam cộng khổ” cùng những “đồng chí” trong đoàn quân Tây Tiến.

Phân tích khổ 1 bài Tây Tiến của Quang Dũng

Bài số 2

Quang Dũng là một nhà thơ lãng mạn và tài ba, ông để lại rất nhiều tác phẩm tiêu biểu cho nền văn học Việt Nam, trong đó có Tây Tiến. Quang Dũng viết Tây Tiến vào năm 1948 với cảm hứng chủ đạo là nỗi nhớ đồng đội thân yêu, nhó binh đoàn Tây Tiến, nhớ cả bản mường và núi rừng Tây Bắc, những kỷ niệm một thời trận mạc đầy gian khó hiểm nguy… Bài thơ cũng ghi lại hào khí lãng mạn của những người trẻ Việt Nam, luôn sẵn sàng chiến đấu vì độc lập tự do dân tộc.

Hai câu thơ đầu tác giả nói lên nỗi nhớ, nhớ đoàn quân Tây Tiến, nhớ núi rừng, nhớ dòng sông Mã thương yêu:

“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!

Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi.”

Hai tiếng “xa rồi” gợi nỗi nhớ nhớ da diết đến quặn lòng, không thế nào nguôi được, đó là nỗi nhớ “chơi vơi”. Tiếng gọi “Tây Tiến ơi” vang lên sao tha thiết như tiếng gọi người thân yêu. Từ “ơi!” bắt vần với từ láy “chơi vơi” tạo nên âm hưởng câu thơ sâu lắng, bồi hồi, ngân dài, từ lòng người vọng vào thời gian năm tháng, lan rộng lan xa trong không gian. Sau tiếng gọi ấy, biết bao hoài niệm về một thời gian khổ nhưng cũng đầy hào hùng hiện về trong tâm tưởng.

Hai câu thơ tiếp theo nói lên chặng đường hành quân đầy thử thách gian nan mà đoàn binh Tây Tiến từng nếm trải:

 “Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi,

Mường Lát hoa về trong đêm hơi.”

Giữa những dãy sương mù dày đặc, giữa đêm gió rừng gào thét, dù biết bao mệt mỏi vất vả thì đoàn quân vẫn miệt mài đi qua. Chút lãng mạn, nét đẹp thư sinh vẫn còn đó khi giữa đêm thâu nhận ra được hương hoa rừng lan tỏa. Bên cạnh bên tiếng pháo, tiếng bom, mùi súng đạn tàn khốc  ngày đêm vang vọng, món quà nhỏ bé từ thiên nhiên ấy đã được các anh đón nhận thật chân thành nơi dải đất “Mường Lát” phảng phất hương thơm.

“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”

Dốc lên thì “khúc khuỷu” gập ghềnh, dốc xuống thì “thăm thẳm” như dẫn đến vực sâu. Các từ láy tượng hình “khúc khuỷu”, “thăm thẳm”,  “heo hút” được tác giả sử dụng hết sức tài tình, đặc tả được những gian khổ, gian truân trên nẻo đường hành quân chiến đấu của binh đoàn Tây Tiến. Đứng trên đỉnh núi mù sương, mũi súng của các chiến sĩ như chạm vào trời. Đây cũng là hình ảnh dược nhân hóa giàu chất thơ, mang vẻ đẹp lãng mạn, thi vị. Đồng thời nó cũng khẳng định chí khí và quyết tâm của người chiến sĩ.

Hai câu thơ sau tiếp tục khơi gợi những gian khổ, sự nguy hiểm tiềm ẩn trên con đường hành quân.

“Chiều chiều oai linh thác gầm thét

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người.”

Không chỉ là núi cao dốc thẳm, không chỉ là mưa lũ thác ngàn mà còn có tiếng gầm của cọp beo nơi rừng thiêng nước độc, nơi đại ngàn hoang vu. “Chiều chiều” rồi tới “đêm đêm” luôn có biết bao nhiêu nguy hiểm rình rập, có thể lấy đi mạng sống của các chiến sĩ bất cứ lúc nào. Nhưng không vì thế mà đoàn quân Tây Tiến chùn bước, Quang Dũng là lấy ngoại cảnh núi rừng miền Tây Bắc để tô đậm và khắc họa chí khí anh hùng của những người chiến sĩ bộ đội, để lại trong tâm trí người đọc một ấn tượng: gian nan tột bậc mà cũng can trường tột bậc! Đoàn quân vẫn tiến bước, người nối người, băng lên phía trước.

Quang Dũng cũng nói đến sự hy sinh của đồng đội 2 câu thơ:

“Anh bạn dãi dầu không bước nữa

Gục lên súng mũ bỏ quên đời…”

Chiến tranh luôn có những hậu quả nặng nề, sự hy sinh của người lính là điều tất yếu, xương máu đổ xuống để mang về tự do độc lập cho đồng bào. Vần thơ nói lên sự mất mát, hy sinh nhưng lại không hề tham thương, bi lụy. Thể hiện sự anh dũng, hào hùng và tinh thần chiến đấu quật cường của những người lính bộ đội cụ Hồ.

Kết thúc khổ 1 bài thơ Tây Tiến, tác giả Quang Dũng đã thành công khắc họa hình ảnh người chiến sĩ can trường và lạc quan, luôn sẵn sàng hy sinh bản thân để đổi lấy tự do dân tộc. Đoạn thơ để lại một dấu ấn đẹp về thơ ca chiến sĩ. Bằng nét bút tài hoa, nghệ thuật dùng từ tài tình, trải qua bao nhiêu thế hệ bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng vẫn giữ nguyên được giá trị của mình.

Trên đây là nội dung dàn ý và bài văn mẫu phân tích khổ 1 Tây Tiến, hy vọng có thể mang đến cho các bạn những ý tưởng hay khi làm bài. Báo Song Ngữ chúc bạn học tập tốt và luôn đạt những điểm số cao trong các kỳ thi.

XEM THÊM:

You may also like

Leave a Comment