Đất nước Việt Nam không chỉ nổi tiếng với những trang sử vẻ vang, những danh lam thắng cảnh đẹp tựa tranh vẽ. Mà nền văn hóa ẩm thực cũng rất đa dạng và phong phú với rất nhiều sản vật đặc sắc. Thuyết minh về món ăn dân tộc cũng trở thành một đề tài được áp dụng khá nhiều trong chương trình giảng dạy. Bài viết hôm nay, Báo Song Ngữ sẽ mang đến cho bạn một số gợi ý cho đề tài này, mời bạn cùng tham khảo nhé.
Hướng dẫn cách viết bài thuyết minh về món ăn dân tộc
Khi làm văn, dù là bất cứ chủ đề nào thì việc lập dàn ý là điều cần thiết để giúp bài viết có đầy đủ nội dung, mạch viết liên kết và chi tiết nhất. Khi viết bài thuyết minh về một món ăn của dân tộc Việt Nam, bạn có thể lập dàn ý dựa trên bố cục sau:
Mở bài
Giới thiệu về món ăn mà mình chọn để thuyết minh
Thân bài
- Nguồn gốc món ăn
- Cách chế biến món ăn
- Phân loại món ăn
- Ý nghĩa của món ăn
Kết bài
- Khái quát lại món ăn
- Nêu cảm nghĩ của mình
Thực hành viết bài thuyết minh về món ăn dân tộc
Bài 1: Thuyết minh về món Phở Hà Nội
Dải đất hình chữ S của đất nước Việt Nam với biết bao nhiêu đặc sản dân tộc, từ vùng cao cho tới đồng bằng mỗi vùng miền lại có những món ăn khác nhau. Nhắc đến Hà Nội thì Phở là món ăn mà bất kỳ ai cũng phải thử một lần. Phở không chỉ là một món ăn bình thường mà nó chính là đại diện của bản sắc văn hóa ẩm thực của dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế.
Hiện không có tư liệu chính xác về nguồn gốc của phở, nhưng nhiều người cho rằng món ăn xuất hiện vào đầu thế kỷ 20. Có quan điểm cho rằng, phở bắt nguồn từ món xáo trâu của người Việt. Cũng có quan điểm nói nguồn gốc của phở là phương pháp chế biến thịt bò hầm của Pháp hoặc là từ món ăn Quảng Đông. Mặc dù về nguồn gốc của phở vẫn chưa có tư liệu chính xác, nhưng vào những năm 40 của thế kỷ 20 thì phở đã là một món ăn rất nổi tiếng tại Hà Nội, Nam Định.
Theo thời gian phát triển của đất nước, phở cũng có nhiều biến chuyển, nếu trước kia là những bát phở bò chính, thì bây giờ đã có thêm phở tái, phở gà, phở xào, phở cuốn, phở rán,…và rất nhiều các loại phở khác nhau, giúp làm phong phú cho món ăn của nền ẩm thực Việt.
Phở mang nhiều hương vị khác nhau, phụ thuộc vào người chế biến món ăn. Thành phần chính để tạo nên món phở truyền thống bao gồm bánh phở và nước dùng. Bánh phở là những sợi được chế biến từ gạo, màu trắng và hình dẹt. Nước dùng có mùi thơm từ thảo quả nướng, hồi, quế, gừng và vị ngọt từ xương lợn ninh nhừ. Cho phở đã trần qua nước vào bát, thái mỏng thịt bò hoặc thịt gà trần nước nóng rồi cho vào bát phở. Cho nước dùng vào là đã có một bát phở thơm ngon, nóng hổi.
Một bát phở ngon yếu tố quyết định nằm ở nước dùng, vì thế khâu chuẩn bị chế biến nước dùng phải thật kỹ lưỡng. Từ việc chọn xương đến ninh xương, nêm nếm gia vị đều phải đảm bảo độ chính xác. Nước dùng phải có vị ngọt từ dương, có mùi thơm và màu trong mới đạt tiêu chuẩn. Điều này đòi hỏi người chế biến phải có kinh nghiệm và đôi khi cần có thêm “bí quyết gia truyền”. Khi ăn phở, người ta sẽ vắt một chút chanh và ăn kèm với rau thơm, tất cả hòa quyện vào nhau khiến bát phở ngon đúng điệu, thỏa mãn những thực khách tứ phương.
Phở đã trở thành một đặc trưng của ẩm thực dân tộc Việt Nam nói chung và của Hà Nội nói riêng. Dù là Xuân – Hạ hay Thu – Đông, buổi sáng – buổi trưa hay buổi tối, bất cứ khi nào chúng ta cũng có thể thưởng thức phở. Dù đi đâu, hình ảnh quán phở với hương vị đặc trưng đã trở thành một phần không thể thiếu trong tâm hồn người con Việt. Bạn bè trên thế giới đến với Việt Nam, ai cũng phải một lần thử qua món phở nếu không đó sẽ là một chuyến đi không trọn vẹn. Phở cũng xuất hiện trong rất nhiều tác phẩm của các nhà văn nhà thơ như Vũ Bằng, Thạch Lam…. Trong ca dao, dân ca phở cũng đi vào như một giá trị tinh thần thiết yếu của người dân.
Đã bao thế hệ đi qua, dưới đôi tay khéo léo của người đầu bếp, phở vẫn vẹn nguyên. Bát phở nghi ngút khói cùng mùi thơm đặc trưng đã lặng lẽ khắc ghi trong trái tim mỗi người con Việt Nam – là niềm tự hào của cả dân tộc.
Bài 2: Thuyết minh về món ăn dân tộc – Bánh Chưng
Là đại diện của nền văn hóa ẩm thực cũng như tín ngưỡng tâm linh của dân tộc Việt Nam, bánh chưng là một món ăn quen thuộc trong đời sống của mỗi gia đình người Việt. Đặc biệt là vào dịp Tết đến Xuân về, hình ảnh chiếc bánh chưng xanh luôn hiện diện, tượng trưng cho niềm hạnh phúc, may mắn và sum vầy.
Phong bánh chưng ngày Tết được bày trên mâm cúng tổ tiên đã trở thành một mỹ tục. Nguồn gốc của bánh chưng gắn liền với sự tích chàng hoàng tử Lang Liêu đời vua Hùng thứ 6. Chàng đã dùng lúa nếp làm nên những chiếc bánh chưng, bánh dày thay cho các thứ sơn hào, hải vị dâng tiến vua cha. Bánh chưng mộc mạc, giản dị nhưng lại mang một ý nghĩa to lớn, nó thể hiện lòng thành kính, sự tự hào của con cháu đối với ông bà, tổ tiên.
Trong dịp Tết Nguyên Đán, không có gia đình Việt Nam nào thiếu vắng cặp bánh chưng xanh trên mâm cúng ông bà, ông vải. Để gói ra được chiếc bánh chưng vuông vắn, xanh mượt không phải là điều đơn giản. Đầu tiên cần phải phải chuẩn bị nguyên liệu: gạo nếp (có hạt tròn đều, chắc, nên chọn nếp cái hoa vàng để gói bánh chưng), thịt lợn (thịt ba chỉ tươi ngon, sạch), đậu xanh (không vỏ), lá dong (kích thước vừa phải, chọn loại tươi xanh, rửa sạch và phơi cho ráo nước) và lạt buộc )làm bằng giang, chẻ mỏng, có thể mua lạt đã được chẻ sẵn).
Nguyên liệu sau khi chuẩn bị đầy đủ, chúng ta sẽ bắt đầu công đoạn gói bánh chưng. Cách gói bánh chưng đối với nhiều người có thể đơn giản nhưng với một số người lại khá khó khăn. Để gói được chiếc bánh đẹp đòi hỏi người gói phải có kinh nghiệm, khéo léo và cẩn thận. Đầu tiên dùng 2 lá dong xếp thành hình dấu cộng, sau đó cho gạo nếp vào và san đều. Sau lớp gạo nếp là lớp đậu bên trong, rồi đặt vào đó 2 – 3 miếng thịt, tiếp đó cho một lớp đậu và cuối cùng là một lớp gạo. Khéo léo bẻ 4 góc lại cho vuông rồi bộc lạt vào.
Khi đã xong xuôi đâu vào đấy, ta chuẩn bị cho khâu nấu bánh chưng, thời gian để bánh chín sẽ kéo dài từ 10 – 12 giờ. Trong quá trình đun, thi thoảng phải kiểm tra nước, nếu thấy nước cạn thì phải đổ thêm sao cho nước luôn ngập bánh. Đối với những chiếc bánh ở trên nên được lật giở để bánh được chín đều. Sau khi bánh chín, vớt ra và rửa lướt qua để loại bỏ lớp mỡ dính trên bề mặt vỏ. Sau đó xếp bánh lên mặt phẳng và lấy một mặt phẳng nặng khác đè lên để ép hết nước trong bánh ra ngoài. Thông thường sẽ ép khoảng 2 – 3 giờ đồng hồ, sau đó phải nắn bánh sao cho vuông vắn và đẹp mắt.
Với sự đa dạng của ẩm thực, bánh chưng ngày nay được phát triển thành nhiều loại, ngoài bánh chưng truyền thống còn có bánh chưng cốm, bánh chưng gấc, bánh chưng ngũ sắc,… Mặc dù có nhiều loại khác nhau nhưng chúng đều mang trong mình một ý nghĩ thiêng liêng, tượng trưng cho đất mẹ bao la, có đầy đủ nguyên liệu gạo thịt tượng trưng cho muôn loài.
Bánh chưng là một sản vật quý giá mà ông cha ta để lại, một nét đẹp văn hóa lâu đời của đất nước – con người Việt Nam. Nó là một thứ bánh hoàn hảo, là biểu tượng của tổ tiên, một nét đẹp truyền thống mà người dân mang dòng máu Lạc Hồng cần phải giữ gìn và phát huy.
XEM THÊM: