Nhằm thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo thực sự phát triển, mới đây, Chính phủ đã có Quyết định số 844/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025″ do Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất.
– Thưa Thứ trưởng, Quyết định 844 của Thủ tướng Chính phủ rất được dư luận quan tâm, đặc biệt là với những người khởi nghiệp dựa vào khoa học, công nghệ thông tin. Xin ông nói rõ hơn về đề án này?
Ông Trần Văn Tùng: Từ trước đến nay chúng ta chưa có văn bản chính thức nào của Nhà nước quy định về hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua hệ sinh thái khởi nghiệp đã phát triển mang tính tự phát và bước đầu phát triển.
Vào năm 2011, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã khởi động việc này. Chúng tôi đã thấy được những mô hình thành công ở Mỹ, Israel, Hàn Quốc, Singapore… Các hệ sinh thái khởi nghiệp nếu được ra đời sẽ tạo điều kiện cho phong trào khởi nghiệp của đất nước phát triển.
Khởi nghiệp nói chung là phương án đầu tư, lập nghiệp của người mong muốn hình thành các doanh nghiệp, còn khởi nghiệp mà chúng tôi xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ là mong muốn khởi nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo. Điều này đồng nghĩa với việc kết quả của các nghiên cứu và hình thành các công nghệ, đưa vào phương án sản xuất kinh doanh. Nếu doanh nghiệp được hình thành trên các ý tưởng đổi mới sáng tạo công nghệ thì có khả năng đưa ra các sản phẩm có tính cạnh tranh, có chất lượng cao, cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước.
Nội dung Đề án được Chính phủ phê duyệt đầu tiên tập trung giải quyết các vấn đề cơ chế chính sách. Thực tế, hệ thống luật pháp của chúng ta còn thiếu khá nhiều quy định đối với những người tham gia khởi nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo. Ví dụ như việc người làm khởi nghiệp được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước khi thất bại sẽ thế nào; ai quản lý ngân sách đó; vấn đề tài chính trong và ngoài nước khi nhà đầu tư nước đổ vốn vào khởi nghiệp Việt Nam…?
Vấn đề thứ hai là nguồn lực. Hiện có các nhà đầu tư muốn đưa tiền vào hệ sinh thái khởi nghiệp. Muốn vậy, phải cho họ cơ chế, chính sách để họ yên tâm đầu tư như các chính sách về thuế ưu đãi…
Thứ ba, phải có khu làm việc chung cho những người khởi nghiệp. Việt Nam đã có một số khu làm việc chung và khi người khởi nghiệp đến đó sẽ được đào tạo, học tập, rèn luyện và hình thành nên doanh nghiệp với sự tư vấn của các chuyên gia tài chính, khoa học, thị trường, pháp luật…
Ở miền Bắc có một số khu làm việc tập trung như ở 24 Lý Thường Kiệt (Hà Nội), nơi thường xuyên có trên 50 người khởi nghiệp tới hoạt động hay ở địa chỉ số 1 Lương Yên (Hà Nội) với mặt sàn hơn 800m2…
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Khoa học và Công nghệ có khu là trung tâm thông tin và sàn giao dịch công nghệ cũng dành diện tích lớn cho hoạt động khởi nghiệp.
Thứ tư, các nội dung liên quan đến cổng thông tin kết nối người làm khởi nghiệp, nhà đầu tư, kết nối các khu làm việc tập trung đó vô cùng quan trọng đối với khởi nghiệp sáng tạo. Chúng tôi sẽ hình thành 1 cổng thông tin kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp ở trong và ngoài nước…
Cuối cùng, biện pháp tuyên truyền cần được đẩy mạnh để làm sao cho những người khởi nghiệp đi đúng hướng và chuyên nghiệp. Chúng tôi cũng mong muốn trong thời gian tới đưa nội dung đào tạo khởi nghiệp vào các chương trình giảng dạy tại trường đại học…
Hệ sinh thái khởi nghiệp chúng tôi đang triển khai có sự kết hợp giữa các bộ, ngành, địa phương. Chúng tôi cũng nhận được thông tin các nơi đó có kế hoạch xây dựng chương trình khởi nghiệp của riêng mình. Bởi vậy, chúng tôi rất hy vọng những nội dung cơ bản của Đề án hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ giúp khởi nghiệp Việt Nam phát triển, đi đúng hướng và thành công.
– Một trong những cản trở với khởi nghiệp chính là vốn. Bộ Khoa học và Công nghệ trong những năm qua cũng mong muốn có một quỹ đầu tư mạo hiểm nhưng tới nay vẫn chưa thành công. Sắp tới, bộ sẽ giải quyết vấn đề này như nào?
Ông Trần Văn Tùng: Việc này đang được chúng tôi quan tâm giải quyết. Hiện nay trong Luật hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì đang xây dựng để trình Quốc hội thông qua, chúng tôi đang đưa vào một quỹ mang tính chất đầu tư mạo hiểm. Việc này thành công mới giải quyết được các vấn đề nói trên.
– Bộ Khoa học và Công nghệ có chính sách nào để hỗ trợ việc thương mại hóa sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp không, thưa ông?
Ông Trần Văn Tùng: Đây là vấn đề quan trọng, chương trình phát triển thị trường của Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng có rất nhiều nội dung trong đó có những vấn đề hoạt động kết nối cung cầu, tạo điều kiện phát triển thị trường, nghiên cứu điều tra…
Tôi cho rằng phải mở rộng các điều kiện để kết nối thị trường, xây dựng chiến lược phát triển thị trường cho từng sản phẩm. Những kiến thức ấy sẽ được đưa vào trong quá trình hỗ trợ doanh nghiệp, giúp họ khi sản xuất phải nhìn thấy nơi tiêu thụ. Đây là những kiến thức quan trọng với doanh nghiệp khởi nghiệp và chương trình của Bộ Khoa học và Công nghệ đang triển khai rất mạnh, sẽ là nơi giúp doanh nghiệp thương mại hóa sản phẩm, kể cả công nghệ.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng có những chương trình phát triển thị trường, xúc tiến thương mại. Những chương trình đó giúp cho các doanh nghiệp không những đưa sản phẩm tới thị trường trong nước mà còn nước ngoài.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: T.H/Vietnam+)
– Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng như nhiều cơ quan khác đang rất nỗ lực trong việc xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp. Theo ông, làm thế nào để việc này thực sự thành công và không bị biến thành một phong trào thiếu hiệu quả?
Ông Trần Văn Tùng: Đúng là làm phong trào thì sau này khó thành công được. Ý bạn nói cũng là vấn đề mà chúng tôi suy nghĩ.
Ở đây có điểm là với hệ sinh thái khởi nghiệp chúng ta đặt ra bản thân những người tham gia phải được đào tạo, cung cấp kiến thức và có kỹ năng để làm cho đúng. Còn những người không được đào tạo thì không nên tham gia theo người khác.
Khi các nhà đầu tư bỏ tiền cho doanh nghiệp, họ phải suy nghĩ có đầu tư hiệu quả hay không. Có nhiều người bỏ tiền vào nhưng cùng đó là kiến thức quản trị doanh nghiệp, pháp luật, sở hữu trí tuệ, công nghệ… Việc làm này của nhà đầu tư giúp doanh nghiệp khởi nghiệp có kiến thức, tránh trường hợp chỉ bỏ tiền và hy vọng vào lợi nhuận. Và, điều này sẽ tránh tình trạng phong trào khi thực hiện hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, thường thì 100 người nhận được hỗ trợ khởi nghiệp thì chỉ có 5-10 người thành công. Bởi vậy, những người khởi nghiệp phải luôn phải sẵn sàng xác định chấp nhận thất bại. Kinh nghiệm cho thấy nhiều người rất thích đầu tư vào những người thất bại vì thất bại sẽ có thêm kinh nghiệm làm khởi nghiệp, còn ngay từ đầu đã thành công có khi sau này khó phát triển thành doanh nghiệp lớn.
– Làm thế nào các bạn trẻ đam mê khởi nghiệp tiếp cận chương trình của Bộ Khoa học và Công nghệ dễ dàng, thưa Thứ trưởng?
Ông Trần Văn Tùng: Với việc phát triển bùng nổ công nghệ thông tin hiện nay, sau này, các thông tin lên khởi nghiệp sẽ được chúng tôi đưa lên hệ thống công nghệ thông tin và mạng xã hội. Đây là những nơi mọi người thường xuyên giao lưu, cập nhật.
Hy vọng những thông tin từ Bộ Khoa học và Công nghệ trong quá trình triển khai hệ sinh thái khởi nghiệp sẽ tới được tất cả các bạn trẻ và mọi người sẽ chủ động tham gia vào trong các chương trình dự án mà chúng tôi khởi động.
– Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Theo TTXVN